Search This Blog

Tuesday, August 18, 2015

Cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến qua Portal

Dịch vụ hành chính công trực tuyến

Dựa theo mô hình tiến hóa 4 mức của CPĐT (mô hình Gartner), một dịch vụ hành chính công được gọi là trực tuyến trên cổng thông tin điện tử nếu nó thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
-Cổng thông tin điện tử có đầy đủ thông tin về quy trình, thủ tục thực hiện dịch vụ, các giấy tờ cần thiết, các bước tiến hành, thời gian thực hiện, chi phí thực hiện dịch vụ. (mức độ 1)
-Ngoài thông tin đầy đủ như mức độ 1, cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng tải về các mẫu đơn, hồ sơ để người sử dụng có thể in ra giấy, hoặc điền vào các mẫu đơn. Việc nộp lại hồ sơ sau khi hoàn thành được thực hiện qua đường bưu điện hoặc người sử dụng trực tiếp mang đến cơ quan thụ lý hồ sơ (mức độ 2)
-Ngoài thông tin đầy đủ như ở mức độ 1 và các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về như ở mức độ 2, cồng thông tin điện tử còn cho phép người sử dụng điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ sau khi điền xong tới cơ quan và người thụ lý hồ sơ. Các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng. Tuy nhiên, việc thanh toán chi phí và trả kết quả sẽ được thực hiện khi người sử dụng dịch vụ đến trực tiếp cơ quan cung cấp dịch vụ. (mức độ 3)
-Ngoài thông tin đầy đủ như ở mức độ 1, các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về như ở mức độ 2, gửi trực tuyến hồ sơ và thực hiện các giao dịch qua mạng như ở mức độ 3, việc thanh toán chi phí sẽ được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện. (mức độ 4) Như vậy, mức độ 1 là mức độ đơn giản nhất của dịch vụ hành chính công trực tuyến. Mức độ 4 là mức độ hoàn chỉnh nhất của dịch vụ hành chính công trực tuyến, ở mức độ này, người sử dụng được cung cấp dịch vụ hoàn chỉnh mà không cần giao tiếp trực tiếp (gặp mặt) cơ quan cung cấp dịch vụ.
Áp dụng trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, dựa trên hiện trạng ứng dụng Internet, hiện trạng về các dịch vụ hành chính công, việc thực hiện trực tuyến các dịch vụ nên được hoàn thiện ở mức độ 3. Các nguyên nhân chính dẫn đến việc khó có thể xây dựng các dịch vụ hành chính công trực tuyến hoàn chỉnh - mức độ 4, đó là:
-Chưa có cơ chế xác nhận người sử dụng (vì chưa có cơ sở dữ liệu con người)
-Chưa có khả năng thực hiện thanh toán trực tuyến (chi phí cho dịch vụ)
-Mức độ an toàn, bảo mật cho các giao dịch trực tuyến đòi hỏi rất cao.
Chính vì vậy, mức độ 3 là mức độ phù hợp nhất để triển khai các dịch vụ hành chính công trực tuyến đối với Việt Nam.

Lợi ích khi xây dựng các dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức độ 3

Chính phủ điện tử là mô hình nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia phát triển nhất trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức hướng tới do các lợi ích to lớn mà nó có thể mang lại. Tuy nhiên, ở đây chỉ kể đến một số lợi ích thực tiễn khi triển khai các dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức độ 3:
-Giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ, giảm thời gian đi lại cho người sử dụng, do đó làm giảm thời gian và công sức của người sử dụng các dịch vụ hành chính công. Từ đó làm tăng hiệu suất và hiệu quả của các cơ quan cung cấp dịch vụ.
-Tăng tính minh bạch của các cơ quan cung cấp dịch vụ, vì với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc cung cấp các thông tin về trạng thái hiện tại của quy trình là hoàn toàn có thể (cung cấp thông tin hồ sơ đang nằm ở phòng ban nào? đang được ai thụ lý? hồ sơ bị tắc ở khâu nào?...)
-Tăng khả năng giám sát của các cơ quan cấp trên, vì các cơ quan cấp trên có thể kiểm tra được tình trạng xử lý các hồ sơ hiện thời. Từ đó, làm tăng tính trách nhiệm của các cơ quan cung cấp dịch vụ.
-Tạo cơ hội cho việc cải cách hành chính, vì khi thực hiện đưa các dịch vụ hành chính công lên mạng thì các quy trình, thủ tục hành chính đều được chuẩn hóa để có thể áp dụng CNTT. Do đó, các điểm bất cập của quy trình hiện tại có thể được phát hiện và đó là cơ hội để cải cách hành chính thực hiện tái thiết kế quy trình.
-Hiệu quả kinh tế cho cả người sủ dụng dịch vụ và cơ quan cung cấp dịch vụ, do có thể tiết kiệm thời gian, công sức, cắt giảm các chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm, chi phí nhân công…

Khó khăn đưa các dịch vụ công lên mạng

Đưa các dịch vụ hành chính công lên mạng là một trong những mục tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển chính phủ điện tử nói chung. Trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam, việc triển khai các dịch vụ lên mạng sẽ gặp các khó khăn sau đây: Khó khăn 1: Cơ chế xác nhận người dùng, cụ thể là hai vấn đề sau:
-Kiểm tra xem người đang sử dụng dịch vụ trực tuyến có phải là người có nhu cầu thực sự hay không? Nếu không kiểm tra được điều này có thể dấn đến lãng phí thời gian của người thụ lý hồ sơ khi phải nhận các hồ sơ không có thực.
-Với những người có nhu cầu sử dụng dịch vụ, kiểm tra xem thông tin họ nhập vào hệ thống có phải thông tin thực hay không? Nếu không kiểm tra được điều này có thể dẫn đến việc cung cấp dịch vụ cho những người không đủ điều kiện để nhận dịch vụ.
Giải pháp: Ở các nước mà chính phủ điện tử đã phát triển đến một mức độ hoàn chỉnh, các cơ sở dữ liệu quốc gia về con người, về đất đai, về doanh nghiệp … đều sẵn sàng. Hơn nữa, hạ tầng khóa công khai và chữ ký điện tử sẵn sang. Khi đó việc kiểm tra người sử dụng và các thông tin của người sử dụng là dễ dàng. Ví dụ: Ở Singapore, ở Anh, để đăng nhập vào sử dụng hệ thống các dịch vụ hành chính công trực tuyến thì người sử dụng phải có một tài khoản từ trước đó. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì các cơ sở dữ liệu này chưa có hoặc chưa hoàn chỉnh. Do đó, trong giai đoạn trước mắt, để kiểm tra tính trung thực của dữ liệu thì người sử dụng phải gửi bản sao (scan hoặc photo) của các giấy tờ như Chứng minh nhân dân, hoặc Hộ khẩu để người thụ lý hồ sơ kiểm tra như khi giải quyết các thủ tục bằng giấy tờ.
Khó khăn 2: Thói quen và nhận thức của các cán bộ trong cơ quan cung cấp dịch vụ.
Giải pháp: Để thay đổi thói quen và nhận thức của cán bộ, cần thời gian và những cơ chế chính sách về thưởng/phạt hợp lý.
Khó khăn 3: Thói quen và nhận thức của người sử dụng dịch vụ.
Giải pháp: Cần có sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc tuyên truyền, quảng cáo cho các dịch vụ trực tuyến.
Khó khăn 4: Internet chưa sẵn sàng ở mọi nơi, mọi lúc ở Việt Nam.
Giải pháp 4: Triển khai các dịch vụ trực tuyến trước hết ở các thành phố lớn, ở những nơi có trình độ dân trí tương đối phát triển, mật độ người sử dụng Internet cao. Sau khi triển khai thành công ở những nơi này sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm để nhân rộng ở những nơi khác.
Kết luận
Trong chuyên đề này, đã giới thiệu khái niệm về chính phủ điện tử và một số nội dung xây dựng CPĐT ở Việt Nam. Chuyên đề được soạn cho sinh viên khoa CNTT nên cách tiếp cận theo cách tìm hiểu quy trình nghiệp vụ, từ đó xấc định các chức năng của hệ thống. CPĐT và sản phẩm công nghệ thông tin trực tiếp là cổng điện tử đã được trình bày để sinh viên có thể lựa chọn đề tài, định hướng nghề nghiệp. Hệ thống portal là một phần mềm lớn, phức tạp nên trong phạm vi một chuyên đề không thể đề cập chi tiết như chuyên đề TMĐT. Tuy nhiên nó là những định hướng giúp sinh viên có thể lựa chọn đề tài thực hiện một vài chức năng trong CPĐT. 
http://voer.edu.vn